Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến, việc ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam rất thiết thực nhằm tạo ra cộng đồng nông nghiệp lớn mạnh.
Ngày 21/11 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chính thức được ra mắt.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các thành viên của Hội đồng Doanh Nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Mang theo sứ mệnh kết nối
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ, Hội đồng ra mắt mang theo sứ mệnh kết nối để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Bởi trong nông nghiệp, việc áp dụng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn cực kỳ quan trọng.
Nếu chúng ta không vận dụng nó vào sản xuất một cách sáng tạo thì không bao giờ giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, không giải quyết được bài toán hiệu quả và vấn đề an sinh.
Theo ông Thắng, bấy lâu nay chúng ta tư duy tuyến tính. Ví dụ như việc cấy lúa, trước đây chúng ta chỉ tính xem được bao nhiêu cân gạo. Chúng ta phải tính đến nhiều việc cùng lúc để làm sao nâng cao năng suất nhưng chúng ta không tính được vấn đề an sinh. Đó là thể hiện của một môi trường không bền vững…
Do đó, Hội đồng được thành lập với mong muốn kết nối các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt là các đơn vị có các sản phẩm phục vụ nông nghiệp; các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, những tổ chức, cá nhân có cống hiến cho ngành nông nghiệp…
Từ đó cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, Hội đồng sẽ đẩy mạnh công tác vận động hội viên tham gia và không ngừng mở rộng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng luôn tăng cường công tác kết nối và xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp an toàn và hữu cơ.
Đồng thời, kết nối và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm nông nghiệp. Tìm kiếm, lựa chọn giống và công nghệ, quy trình chế biến phù hợp với mô hình canh tác. Kết nối và xúc tiến đầu tư vào các mô hình chế biến sâu trong nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, trong bối cảnh an toàn sức khỏe cho con người đang được chú trọng, thị trường ngày càng có nhiều tiêu chuẩn khắt khe đối với các sản phẩm được lưu hành, do đó chúng ta cần chuẩn bị một nền tảng tốt.
“Hội đồng sẽ là một kênh kết nối tốt nhất để những doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng nhau bước đi. Chúng ta sẽ là cộng đồng cùng làm việc. Tôi hy vọng thông qua chương trình hành động của hội đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh nông nghiệp hợp tác, giao lưu, tăng cường chuyển giao công nghệ cùng nhau đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm đầu ra, ngày càng nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế”, bà Diễm Hằng nhấn mạnh.
Tạo ra cộng đồng nông nghiệp lớn mạnh
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần tăng cường khoa học công nghệ cho nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường cho nông nghiệp bởi dù chúng ta là đất nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp nhưng đang quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, sản xuất nhỏ, phần lớn là sản xuất thô, năng suất không cao…
“Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới, đây là câu hỏi cũng là câu trả lời. Việt Nam phải trở thành và buộc phải trở thành bếp ăn của thế giới. Nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi điều này?”, ông Lộc băn khoăn.
Theo ông Lộc, chìa khóa ở đây là doanh nghiệp, nông dân là chủ thể nhưng doanh nghiệp phải ở vị trí trung tâm. Tức là nông nghiệp phải phát triển theo chuỗi, phải có hệ sinh thái cho nông nghiệp. Không chỉ sản xuất thô mà phải chế biến, không chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mà còn phải có nông nghiệp hữu cơ đặc sản, đây là lợi thế của nông nghiệp Việt Nam. Đặc sản này được coi là bảo bối quốc gia và hội đồng cần hướng theo hướng này.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, giai đoạn lịch sử nào cũng khó khăn và thử thách, tuy nhiên chúng ta cần phải biết vượt qua như thế nào và Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp đáp ứng được tất cả những thứ doanh nghiệp đang cần.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, làm nông nghiệp công nghệ, đầu tiên phải nhận thức tất cả các khâu theo chuỗi, sau đó mới đến nguồn lực. Chúng ta phải nhìn nhận nông nghiệp Việt Nam ở không gian này và nhìn ra thế giới với hàng loạt các FTA được ký kết. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần phải làm gì để vượt qua.
Chúng ta có tới 7.500 doanh nghiệp nông nghiệp nhưng nhìn chung vẫn manh mún, tự cung tự cấp, quy mô nhỏ. Vì vậy, sự ra mắt của Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam là rất thiết thực, đúng đắn để tạo ra cộng đồng nông nghiệp lớn mạnh.
“Thực tế cho thấy, không chỉ bị tác động của đại dịch Covid-19 mà dịch tả lợn Châu Phi cũng tác động mạnh đến nền nông nghiệp nước ta trong thời gian qua nhưng đến nay gần như tất cả những chỉ tiêu đều đạt được. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng đã được kiểm soát. Đó là sự cố gắng lớn và thể hiện vai trò quan trọng của nông nghiệp trong tương lai”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn bài viết: //nongnghiep.vn/ra-mat-hoi-dong-doanh-nghiep-nong-nghiep-viet-nam-d278383.html
- 14 loại thực phẩm vàng tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch
- Nước ép và sinh tố hoa quả khác nhau như thế nào?
- Bất ngờ trước những lợi ích mà thực phẩm hữu cơ (Organic) mang lại
- Ăn gì để làm đẹp da, giúp da trắng sáng, chống lão hóa tốt?
- Giải đáp những câu hỏi thường gặp về nước ép cần tây [Phần 2]